Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Xét xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ

(Công lý) - Do nhà thầu Nhật Bản đề xuất thay đổi một số nội dung của dự án để phù hợp với thực tế của Việt Nam nên Bằng “kêu” việc chi phí triển khai thực hiện dự án RPMU gặp nhiều khó khăn. Trước “kêu ca” này, JTC buộc phải “lót tay” 11 tỷ đồng.

Đúng 8h50 hôm nay (ngày 26/10), TAND Hà Nội đưa vụ án 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ ra xét xử về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Phiên tòa bắt đầu với phần kiểm tra căn cước các bị cáo và đại diện VKS công bố nội dung của cáo trạng.
Đây là 1 trong 8 đại án được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương thống nhất chủ trương xét xử trước Đại hội Đảng.
6 bị cáo trong vụ án này là: Phạm Hải Bằng, 46 tuổi (trú tại Hà Nội, cựu Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU – thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Nguyễn Nam Thái, 38 tuổi (quê Thái Nguyên – cựu Trưởng phòng thực hiện dự án 3, Ban quản lý các dự án RPMU – thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), Trần Văn Lục, 57 tuổi (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội – cựu Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt – RPMU), Trần Quốc Đông, 51 tuổi (quê Hà Tĩnh, cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cựu Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu, 53 tuổi (quê Hà Tĩnh, cựu Giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy, 40 tuổi (quê Nam Định, cựu Phó Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt).
Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền ngoài hợp đồng của Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản – JTC trong quá trình thực hiện quyền giám sát gói thầu tư vấn kỹ thuật Dự án “Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1”.
Theo truy tố, cuối năm 2008, Bộ GTVT có quyết định phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 và Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án tuyến số 1.
Đầu năm 2009, Tổ chuyên gia đấu thầu gói thầu dịch vụ tư vấn kỹ thuật của Dự án tuyến số 1 do Phạm Hải Bằng – Tổ trưởng được thành lập.
Đầu tháng 9/2009, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với Liên doanh do JTC đứng đầu. Tổng giá trị của hợp đồng tư vấn này là hơn 2,9 tỷ Yên Nhật và 320 tỷ VNĐ.
Số tiền chi trả hợp đồng này sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam theo Hiệp định vay JICA lần 1 với giá trị 4.683 tỷ Yên.
Sau khi hợp đồng tư vấn được ký kết thì công việc được triển khai từ tháng 10/2009. Tuy nhiên, khối lượng công việc phát sinh nên nhà thầu Nhật Bản đề xuất thay đổi một số nội dung của dự án để phù hợp với thực tế của Việt Nam. Việc điều chỉnh hợp đồng khiến giá trị tiền tư vấn tăng 7.68%.
Xét xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận hối lộ
Các bị cáo tại phiên xét xử
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Phạm Hải Bằng “kêu” việc chi phí triển khai thực hiện dự án RPMU gặp nhiều khó khăn. Để hợp đồng tư vấn được thuận lợi, JTC buộc phải “lót tay” 11 tỷ đồng.
Số tiền này, Bằng giao cho thuộc cấp là Phạm Quang Duy – cựu Phó giám đốc ban quản lý các dự án đường sắt và Nguyễn Nam Thái – cựu Trưởng phòng thực hiện dự án nhận tiền từ JTC.
Theo lời khai của Thái, khoảng Tết âm lịch năm 2013, anh ta đã trực tiếp nhận của ông Shimada – Quyền trưởng phòng phát triển bộ phận quốc tế của JTC số tiền 2 triệu Yên Nhật. Ngoài ra, Thái chủ yếu nhận tiền từ Phạm Hải Bằng đưa cho, mỗi lần khoảng 200-300 triệu đồng.
Còn Phạm Quang Duy vào khoảng tháng 8/2009 đã tiếp nhận 3 triệu Yên Nhật từ ông Takagi – Trưởng văn phòng JTC tại Việt Nam với lý do tổ chức lễ ký kết hợp đồng với liên doanh nhà thầu.
Ngoài ra, Duy còn tiếp nhận số tiền có nguồn gốc “lót tay” của JTC từ Phạm Hải Bằng với tổng số lên đến hơn 2,2 tỷ đồng.
Còn đối với Phạm Hải Bằng, ông ta đã trực tiếp chỉ đạo Phạm Quang Duy và Nguyễn Nam Thái nhiều lần nhận tiền của JTC hoặc trực tiếp nhận tiền. Tổng số tiền quy đổi từ Yên Nhật sang VNĐ là 11 tỷ đồng.
Trong tổng số 11 tỷ đã nhận được của JTC, Phạm Hải Bằng quản lý, sử dụng 4,8 tỷ đồng. Nguyễn Nam Thái quản lý và sử dụng 3,4 tỷ đồng, còn 2,8 tỷ đồng Phạm Hải Bằng đưa cho Phạm Quang Duy.
Theo lời khai của Bằng, số tiền 4,8 tỷ đồng, Bằng chi hết vào việc tiếp khách, đối ngoại, nhưng do không ghi chép lại nên Bằng không nhớ chi tiết.
Với vai trò “thủ quỹ” trong thu – chi, Nguyễn Nam Thái lập bảng theo dõi về cách sử dụng các nguồn tiền có từ JTC, nhưng sau mỗi lần báo cáo chốt số liệu chi tiêu với Phạm Hải Bằng, anh ta lập tức xóa file trên máy tính.
Theo lời khai của Thái, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 2/2014, Thái đã chi cho hội họp, hội thảo, tiếp khách, đối ngoại trong dịp Tết năm 2012-2014… tổng số tiền khoảng 3,4 tỷ đồng.
Việc tiếp nhận và sử dụng 11 tỷ đồng của JTC, các bị can không mở sổ sách theo dõi tại RPMU hay tổ dự án và không báo cáo ai tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Tuy nhiên, qua các thời kỳ Giám đốc RPMU, Bằng có báo cáo với Trần Văn Lục – Giám đốc từ năm 1999 – 2/2009 và Trần Quốc Đông – giám đốc từ 10/2009 – 5/2011 và Nguyễn Văn HIếu – Giám đốc từ 6/2011.
Các giám đốc này không chỉ đạo việc chấm dứt việc nhận tiền lót tay mà để mặc Bằng, Thái nhận tiền và sử dụng chi phí trong thời gian dài. Các giám đốc này cũng được hưởng lợi từ lợi ích chung do việc sử dụng các khoản tiền này.
Cụ thể, dịp Tết từ năm 2010 đến năm 2014, Bằng đưa cho Lục 100 triệu đồng, đưa cho Đông 30 triệu đồng và đưa cho Hiếu 50 triệu đồng.
Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, hiện nay gia đình Trần Văn Lục đã nộp lại số tiền 100 triệu đồng cho Cơ quan cảnh sát điều tra; gia đình Trần Quốc Đông cũng đã nộp 30 triệu đồng.
Trong vụ án này, còn có một số người liên quan như ông: Nguyễn Hữu Bằng – cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam, Ngô Anh Tảo – cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam… có trách nhiệm quản lý RPMU.
Tuy nhiên, trong phạm vi vụ án này, Bộ Công an mới khởi tố, điều tra hành vi trái pháp luật trong việc nhận tiền ngoài hợp đồng từ nhà thầu JTC của các bị can. Còn những nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý toàn bộ dự án, công an đã tách hồ sơ, xử lý sau.
Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 2 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét