Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Những sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2016

Năm 2015 trôi qua với những biến động lớn về địa chính trị trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những biến cố chưa thể giải quyết một sớm một chiều đó sẽ còn ảnh hưởng lớn tới tình hình thế giới trong năm 2016.

Cuộc chiến chống khủng bố
Những sự kiện nổi bật trong bức tranh thế giới năm 2016
IS hình thành với mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo thống nhất Trung Đông
Cùng với cuộc nội chiến ở Iraq năm 2003 và sự kiện mùa xuân Ả-Rập năm 2014, một tổ chức khủng bố mới đã hình thành - Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Với mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo thống nhất Trung Đông, IS có cơ cấu tổ chức, phương thức khủng bố, hành quyết con tin cùng những chiêu dụ dỗ tìm kiếm chiến binh thánh chiến khác biệt hoàn toàn với những tổ  chức khủng bố khác trong lịch sử, gây hoang mang cực độ cho an ninh toàn cầu.
Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), năm 2016 việc đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn là tâm điểm hàng đầu ở Trung Đông - Bắc Phi. Theo các chuyên gia dự báo, rất có thể, năm 2016 IS sẽ vươn vòi bạch tuộc sang khu vực hạ Sahara - châu Phi và thậm chí là Tây Nam Á.
Trong khi đó, chiến lược không kích của các nước phương Tây, do Mỹ dẫn đầu nhắm vào tổ chức này tại Iraq và Syria có vẻ như không hiệu quả, chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa triệt để được tận gốc vấn đề. Vì thế, để đối phó với những mối đe dọa từ IS và thành công trong cuộc chiến này, Mỹ phải có những chiến lược cụ thể hơn đối với Iraq và Syria, trong đó có việc lôi kéo những quốc gia lớn trong khu vực gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia và Israel. Theo nhận định của CSIS, nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bước chân vào cuộc chiến chống IS để có được sự ủng hộ của người Mỹ nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông.
Trong khi đó, sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Boko Haram, nhóm chiến binh Hồi giáo ở phía Đông Bắc Nigeria, cùng lời thề trung thành với IS của nhóm này hồi đầu năm 2015 đã khiến cả thế giới phải lo sợ. Quân đội Nigeria đã nhiều lần thực hiện những cuộc truy quét lớn nhằm tiêu diệt Boko Haram, nhưng nhóm này vẫn âm thầm trỗi dậy. Năm ngoái, Boko Haram được cho là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới theo kết quả từ Chỉ số Khủng bố Toàn cầu do Viện Kinh tế và Hòa bình công bố.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phân tích Peter Pham, cho tới nay Boko Haram không thể hiện chúng là mối đe dọa trực tiếp tới các quốc gia phương Tây. Nhưng ông không loại trừ khả năng này trong tương lai.
Bên cạnh đó, tổ chức vũ trang Hồi giáo Al-Qaeda do Osama bin Laden thành lập năm 1979 vẫn là một trong những nhóm khủng bố dai dẳng và nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Trả lời phỏng vấn hồi tháng 1, Tổng thống Afghanistan cho biết, “Vào đầu năm 2015 đã xuất hiện những giả thuyết cho rằng, quyền lực của al-Qaeda bắt đầu suy giảm. Nhưng thực tế không phải là như vậy”. Qua đây, ông kêu gọi liên quân quốc tế hỗ trợ quân đội Afghanistan trong chiến dịch chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Cuộc khủng hoảng di cư
Những sự kiện nổi bật trong bức tranh thế giới năm 2016
Cuộc khủng hoảng di cư là một thách thức vô cùng lớn đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu
Theo đánh giá của CSIS, năm 2016, giới lãnh đạo lục địa già vẫn tiếp tục phải đương đầu với cuộc khủng hoảng di cư – cuộc khủng hoảng chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Nhất là khi các cuộc xung đột và tình hình bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi vẫn không ngừng tiếp diễn. Trong khi Liên minh châu Âu (EU)  đang phải gồng mình đối phó với gánh nặng nợ công và tỷ lệ thất nghiệp cao, thì cuộc khủng hoảng di cư với nhiều nguy cơ gây bất ổn an ninh cùng những xung đột về văn hóa và tôn giáo lại càng làm EU thêm căng thẳng. Làn sóng di cư lớn chưa từng thấy đổ vào Châu Âu năm 2015, khiến EU rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi những giá trị và lợi ích châu Âu đặt ra cách đây hơn 60 năm bị lung lay.
Trong khi một số nước Tây Âu sẵn sàng mở cửa chào đón người di cư thì một số quốc gia Đông Âu lại không muốn nhận họ bởi điều đó phần nào tác động tới ngân sách nhà nước, gây ra gánh nặng rất lớn cho chi tiêu công của chính phủ. Dẫn tới, việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đã gây bất đồng cho chính phủ các nước EU, thậm chí là đổ lỗi cho nhau.
Sự chia rẽ giữa các nước thành viên ở Tây Âu và các nước Đông Âu càng làm phức tạp nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư vốn đã vô cùng trầm trọng. Sau nhiều cuộc họp, EU vẫn chưa thể đưa ra được một giải pháp chung toàn diện nào để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư do mâu thuẫn quá lớn, mà vướng mắc lớn nhất là phân bổ, tiếp nhận người nhập cư nhằm thể hiện tình đoàn kết và chia sẻ gánh nặng với các nước tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng. Vì thế, cuộc khủng hoảng di cư tại Châu Âu được cho là một thách thức vô cùng lớn, lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp hồi đầu năm 2015.
Hạt nhân: Iran dần “nguội”, Triều Tiên tăng nhiệt
Những sự kiện nổi bật trong bức tranh thế giới năm 2016
   Những bản tin tuyên bố Bình Nhưỡng phóng tên lửa thành công của đài truyền hình Triều Tiên luôn thu hút sự quan tâm của người dân Hàn Quốc
Hai điểm nóng về hạt nhân kéo dài nhiều năm nay tập trung ở Trung Đông - với Iran, và Đông Á - CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, năm 2016 có thể coi là cột mốc vô cùng đặc biệt đối với Tehran, khi việc thực thi bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi tháng 7/2015 chính thức có hiệu lực vào ngày 16/1/2016. Liên minh châu Âu và Mỹ nhất trí dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thừa nhận Iran đã tuân thủ các quy định cam kết trong bản thỏa thuận. Sau hơn 35 năm, quan hệ thù địch phương Tây - Iran bước sang một trang mới. Tehran mở cửa “tái hòa nhập thế giới”, đồng thời từng bước tìm lại vị thế của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngày 18/1, Mỹ tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm các cá nhân và tổ chức bị cáo buộc liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của Iran. Nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại bản thỏa thuận hạt nhân mà phải vô cùng khó khăn mới có thể đạt được sẽ sớm “tan thành mây khói”. Thế nhưng, Tổng thống Hassan Rouhani, một chính trị gia “thực dụng và đổi mới”, đã nhanh chóng xóa tan mọi đồn đoán xung quanh “số phận” của nó.
Xác định kinh tế là “đòn bẩy” giúp lộ trình tái hòa nhập thế giới được rút ngắn, Tổng thống Rouhani chính thức công du châu Âu từ 25-26/1. Tại đây, ông trấn an giới đầu tư rằng Iran là quốc gia “an toàn và ổn định nhất tại Trung Đông”. Iran cũng từng bước hoàn thành những kế hoạch còn dang dở và dần tìm lại tiếng nói củamình trên vũ đài chính trị toàn cầu khi chính thức tham gia vòng đàm phán hòa bình về vấn đề Syria. Có thể coi đây là những dẫn chứng thực tế nhất chứng tỏ hiệu quả của việc Iran và Mỹ cùng “nhượng bộ” ký vào bản thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt đó.
Trái ngược với Iran, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang nóng lên hàng ngày từ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom H hôm 6/1. HĐBALHQ họp khẩn, bàn thảo việc đưa ra nghị quyết trừng phạt mới đối với hành động “phớt lờ” của Triều Tiên. Trong khi Seoul quyết định đóng KCN liên Triều Kaesong, mở lại chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên bằng loa phóng thanh, thì Bình Nhưỡng lại cắt đứt toàn bộ đường dây nóng với Hàn Quốc…
Tiếp đó, ngày 7/2, Triều Tiên phóng một vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo - mà Hàn Quốc coi là một vụ phóng “tên lửa tầm xa”. Một sự cố đang chờ thời điểm bùng nổ là điều mà chính một quan chức quân đội của Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm đã nhận định khi nói về tình hình tại khu vực phi quân sự (DMZ) hiện nay.
“Pháo đài bay” B-52, “Chim ăn thịt” F-22 Raptor là hai “hung thần” trên bầu trời mà Mỹ điều đến Hàn Quốc sau một loạt động thái của Triều Tiên. Trong khi đó, việc Mỹ - Hàn Quốc sẽ tổ chứcmột cuộc tập trận chung thường niên trên quy mô - được xem là lớn nhất từ trước tới nay- vào tháng 3/2016, cũng như bắt đầu đàm phán triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ đẩy căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên leo thang nghiêm trọng.
Lo ngại Trung Quốc “leo thang” trên Biển Đông
Vấn đề an ninh đáng lo ngại nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là việc leo thang căng thẳng trên Biển Đông, mà cụ thể là cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, điều nhiều học giả và cộng đồng quốc tế quan tâm là việc Bắc Kinh sẽ “leo thang” như thế nào tại khu vực này trong năm nay?
Mới đây, hãng tin Fox News của Mỹ dẫn hình ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, với ảnh chụp ngày 14/2 đã xuất hiện các tên lửa (trong khi bãi biển trên đảo trong ảnh chụp ngày 3/2 vẫn trống trải). Hãng tin Reuters bình luận, đây có thể là một bước đi nữa trong kế hoạch dài hơi của Bắc Kinh nhằm triển khai sức mạnh quân sự trên khắp Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Còn theo một số nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh thì động thái này có thể là “mô hình” để Bắc Kinh áp dụng trên các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp trên bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Như vậy, việc Stratfor hồi đầu năm 2016 dự báo khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các “đòi hỏi chủ quyền” vô lý, tăng cường “quân sự hóa” các đảo nhân tạo đã xây dựng trái phép có vẻ như… khá chính xác. Mặc dù các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh chắc chắn không muốn xung đột vũ trang, tuy nhiên khi các lực lượng quân sự hoạt động gần nhau, khả năng tính toán sai và đụng độ bất ngờ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét