Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Không gặp cán bộ, doanh nghiệp bị cưỡng chế “nhầm”

Tin tức xã hội - Mặc dù xác định sai chủ sở hữu, những UBND phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội vẫn cưỡng chế công trình, có dấu hiệu hủy hoại tài sản trái pháp luật nhưng không sửa sai, còn tỏ ra hống hách, đưa nhiều cán bộ cao cấp để dọa dẫm phóng viên.
Sáng 13-1-2017, nhận được thông tin phản ảnh của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng DĐK (Tập đoàn DĐK), phóng viên đã có mặt tại số 257 đường Phan Bá Vành (trước là 421 đường Phan Bá Vành), phường Cổ Nhuế 1 và ghi nhận, UBND phường Cổ Nhuế 1 đang tiến hành cưỡng chế hai nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng với tổng diện tích hơn 800m2, thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn DĐK. Nhưng điều đáng nói ở đây là toàn bộ hồ sơ do UBND phường Cổ Nhuế 1 và Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) quận Bắc Từ Liêm lập đều thể hiện: “Tổ chức, cá nhân vi phạm: Công ty cổ phần Địa ốc MOMOTA (Công ty MOMOTA)”.
Không gặp cán bộ, doanh nghiệp bị cưỡng chế “nhầm”
Nhà xưởng của Tập đoàn DĐK bị cưỡng chế "nhầm"
Theo hồ sơ, thửa đất tại số 257 đường Phan Bá Vành, có diện tích 3.280m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty MOMOTA. Nhưng ngày 2-10-2015, Công MOMOTA đã ký hợp đồng cho Công ty cổ phần sản xuất Công nghiệp Thiên Phúc cùng 4 công ty khác thuê toàn bộ thửa đất trên trong thời hạn 10 năm, thời gian thuê bắt đầu từ ngày 1-1-2015. Ngày 12-11-2016, Công ty Cổ phần sản xuất Công nghiệp Thiên Phúc tiếp tục ký hợp đồng, cho Tập đoàn DĐK thuê lại 1.440m2 đất tại khu vực trên trong thời hạn 3 năm, thời gian thuê bắt đầu từ ngày 20-11-2016, để phục vụ hoạt độngkinh doanh.
Để làm rõ vụ việc, ngay sáng 13-1-2017, một phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Chu Thanh Hà, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 nhưng ông Hà chỉ chịu nghe điện thoại sau khi phóng viên phản ảnh vụ việc tới ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm.
Lúc này ông Hà tỏ thái độ hằn học: “Mời anh về phường để làm việc. Tôi đã giao cho đồng chí Chu Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND phường phụ trách trật tự xây dựng để làm việc với anh”. Sau nhiều thủ tục nhiêu khê và sự đùn đẩy trách nhiệm của lãnh đạo UBND phường Cổ Nhuế 1, tới ngày 16-1-2017, phóng viên vẫn chưa thể tiếp cận thông tin.
Khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Hà tỏ thái độ gay gắt, quát lớn: “Việc này tôi đã giao cho anh Dũng, cần gì anh cứ liên hệ với anh Dũng, tôi đang đi họp”. Trong khi đó, chúng tôi lại nghe thấy rất rõ tiếng nhạc như ở chùa chiền, không giống như trong phòng họp được phát ra từ đầu dây diện thoại phía ông Hà.
Làm việc với phóng viên, ông Chu Việt Dũng thì tỏ ra quen biết rộng, thân thiết với nhiều cán bộ cao cấp và nói: “Có gì anh cứ bình tĩnh, về lãnh đạo của anh sẽ trao đổi lại với anh”.
Trả lời báo chí ngày 18-1-2017, ông Nguyễn Văn Kiểm, Thanh tra viên đội TTXD quận Bắc Từ Liêm khẳng định, toàn quy trình từ khi thiết lập hồ sơ, cưỡng chế công trình vi phạm tại số 257 đường Phan Bá Vành đều làm đúng theo quy định của pháp luật. Phóng viên đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh việc UBND phường Cổ Nhuế 1 và Đội TTXD quận Bắc Từ Liêm đã bỏ qua nhiều tình tiết, biết là đã xác định sai chủ sở hữu nhưng vẫn tiến hành cưỡng chế như: Ngày 21-12-2016, Tập đoàn DĐK đã có Văn bản số 20.12.16/CV/DĐK gửi UBND quận Bắc Từ Liêm để xin xây dựng nhà tạm, cột sắt mái tôn tại số 257 đường Phan Bá Vành; Biên bản làm việc ngày 21-12-2016 của UBND phường Cổ Nhuế 1 có ghi lời khai của nhân viên Công ty MOMOTA: Hai công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng tại số 257 đường Phan Bá Vành là của Tập đoàn DĐK…
Không gặp cán bộ, doanh nghiệp bị cưỡng chế “nhầm”
UBND phường nhận công văn nhưng lãnh đạo vẫn quan liêu nói chưa nhận được
 Lúc này,ông Nguyễn Văn Kiểm lại cho rằng: “Công ty gửi văn bản cho UBND quận chứ không gửi cho chúng tôi nên chúng tôi không biết chủ sở hữu hai nhà xưởng vi phạm trật tự xây dựng là của Tập đoàn DĐK; Biên bản làm việc nhân viên Công ty MOMOTA khai vậy chứ họ có cung cấp hợp đồng và các giấy tờ liên quan cho chúng tôi đâu”.
Phóng viên tiếp tục đưa ra thông tin: “Ngày 11-1-2017, trước ngày cưỡng chế 2 ngày, Tập đoàn DĐK đã có công văn gửi UBND phường xác nhận hai công trình vi phạm trật tự xây dựng đó là của Tập đoàn DĐK và đã xin tự tháo dỡ”. Lúc này ông Kiểm lại nói: “Chúng tôi không biết, công ty gửi cho ai?”. Khi đưa ra hình ảnh chiếc phong bì, có chữ kỹ của bà Nguyễn Thị Hà, Cán bộ Văn phòng UBND phường Cổ Nhuế 1 xác nhận ngày 11-1-2017, Văn phòng UBND phường Cổ Nhuế 1 đã tiếp nhận Công văn số 200/DĐK-DA của Tập đoàn DĐK.
 Ông Kiểm đuối lý và cho rằng: “Đây là việc của UBND phường. Mà dù có thì công văn này cũng không giải quyết việc gì, vì chúng tôi đã lên kế hoạch cưỡng chế. Trừ khi có sự chỉ đạo của UBND quận thì chúng tôi mới dừng. Nói thật với anh, doanh nghiệp này chân ướt chân ráo tới đây làm ăn nhưng đã thèm đến gặp chúng tôi đâu. Họ có coi chúng tôi ra gì đâu”.
Cũng tại buổi làm việc này, ông Chu Việt Dũng tiếp tục khoe quen biết với nhiều cán bộ cao cấp, thậm chí cả một cán bộ cấp tướng để dọa phóng viên. “Tôi không ngại gì hết, báo chí đừng xoáy vào đó” – ông Dũng hống hách.
Tại buổi làm việc ngày 18-1-2017, khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ vụ việc, ông Chu Việt Dũng hứa hẹn sau khi báo cáo lãnh đạo sẽ liên hệ lại để cung cấp hồ sơ cho phóng viên. Thế nhưng, tới ngày 20-1-2017, khi liên hệ với ông Dũng, chúng tôi vẫn chỉ nhận được lời hứa: “Để tôi báo cáo với các anh trên quận, các anh cho phép thì chúng tôi mới được cung cấp hồ sơ. Vì đây là tài liệu quản lý nhà đất tại địa phương. Hiện nay chúng tôi đang rất nhiều việc, mong anh thông cảm”.
Cho tới ngày 24-1-2017, ông Dũng tiếp tục né tránh, không chịu nghe máy của phóng viên. Liên quan tới vụ việc trên, ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tập trung phục vụ gia đìnhchính sách. Việc này chúng tôi đã giao cho bộ phận văn phòng nghiên cứu, khi nào có kết quả sẽ trả lời các anh”.
Theo một nhân viên Tập đoàn DĐK, ngày 30-12-2016, UBND quận đã có công văn trả lời Văn bản số 20.12.16/CV/DĐK ngày 21-12-2016 của Tập đoàn DĐK gửi UBND phường Cổ Nhuế 1, nhưng lại không gửi Tập đoàn DĐK. Chúng tôi cũng đã nhiều lần tới UBND quận Bắc Từ Liêm yêu cầu cung cấp nhưng họ trả lời: “Đây là văn bản nội bộ, nên không gửi cho Tập đoàn DĐK”. “Rõ ràng trong vụ việc này đang có vấn đề, tại sao không gửi cho chúng tôi? Chúng tôi là chủ sở hữu công trình, là người chịu thiệt hại hàng tỷ đồng khi UBND phường cưỡng chế mà chúng tôi lại không được tiếp cận thông tin thì thật phi lý” – nhân viên này cho biết.
Tới đây có thể thấy, UBND phường Cổ Nhuế 1 và UBND Bắc Từ Liêm không chỉ “ém” thông tin với báo chí mà còn “ém” thông tin với chủ sở hữu. Điều này khiến dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Phải chăng có thiếu sót gì trong việc thiết lập hồ sơ cưỡng chế công trình vi phạm nên UBND phường Cổ Nhuế 1 và UBND quận Bắc Từ Liêm phải lòng vòng như vậy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét