Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

GS.TS Phạm Gia Khải chia sẻ về nạn ''vòi phong bì'' trong bệnh viện

Tin tức xã hội - Người bệnh "tố" với Bộ trưởng những khoản chi "khó nói", lối đi trong bệnh viện chật cứng người... đang là thực trạng diễn ra tại nhiều bệnh viện tuyến trên, mặc dù ngành y đã có nỗ lực đáng ghi nhận trong việc dẹp nạn phong bì, giảm quá tải bệnh viện.

Mới đây, khi chứng kiến 4 người bệnh nằm chung một giường, bệnh nhân phản ảnh phải "lót tay" cho bác sĩ để được mổ sớm, Bộ trưởng Bộ Y tế đã truy vấn lãnh đạo Bệnh viện K và đề nghị xử lý kỉ luật những bác sĩ, điều dưỡng gây khó dễ cho bệnh nhân. Phóng viên Báo điện tử Công lý đã ghi nhận ý kiến chuyên gia, bác sỹ về 2 vấn nạn  này. 
“Cung - cầu không đi đôi sẽ sinh ra tiêu cực”
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ rằng khi ông bị ốm điều trị trong bệnh viện gia đình ông cũng từng mang phong bì biếu các bác sĩ trực tiếp chữa trị.
Là bệnh nhân - bác sĩ, ông cho rằng đây là một cách để thể hiện lòng biết ơn. “Tuy nhiên, việc biếu hay không, biếu bao nhiêu là tùy tâm của người bệnh. Bởi lẽ, ngành Y tế là một ngành dịch vụ - nhân đạo chứ không phải kinh doanh. Trong khi đó, ranh giới giữa bắt chẹt và biết ơn là rất mong manh”, ông chia sẻ.
Nói về nguyên nhân vấn nạn phong bì trong ngành y, GS.TS Phạm Gia Khải cho biết: “Khi cung với cầu không đi đôi với nhau sẽ sinh ra tiêu cực. Nhất là khi cung không đáp ứng được cầu thì không tránh khỏi việc thiếu công bằng, bắt chẹt. Khi xảy ra tình trạng bác sĩ bắt chẹt bệnh nhân thì yếu tố nhân đạo không còn và màu áo blouse cũng vì thế mà hoen ố”.
GS.TS Phạm Gia Khải: Khi bác sĩ bắt chẹt bệnh nhân, màu áo blouse cũng vì thế mà hoen ố
GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai)
Hiện nay, các bệnh ung thư đang phổ phổ biến và là mối lo ngại của nhiều người. Trong khi đó, đa số bệnh nhân phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Xét về mặt tâm lý đa số bệnh nhân đều muốn được điều trị tốt nên tìm cách đưa phong bì cho bác sĩ. Cũng không hiếm bác sĩ, chỉ khi nhận phong bì rồi thì mới tích cực chữa. Như vậy, cả bệnh nhân và bác sĩ đang làm hư lẫn nhau – GS.TS Phạm Gia Khải cho biết thêm.
Trước đây, nhiều bệnh viện đã áp dụng quy định cấm đưa – nhận phong bì trong phòng khám tuy nhiên nạn phong bì vẫn luôn là tâm điểm dư luận. Theo GS.TS Phạm Gia Khải, nhiều bệnh viện đã có các biện pháp nhằm hạn chế tình trạng này như: xử phạt đối với bác sĩ nhận phong bì, may áo blouse không có túi… Xử phạt là cần thiết nhưng cũng không phải là tốt nhất và việc đưa – nhận phong bì vì thế cũng tinh vi hơn.
Theo GS.TS Phạm Gia Khải chia sẻ rằng, lương tâm nghề nghiệp là thứ không thể bán. Do đo, bên cạnh yếu tố chuyên môn, người thầy thuốc cần phải có văn hóa. Văn hóa ở đây được hiểu là thái độ, cách ứng xử với bệnh nhân, với đồng nghiệp, tránh những cám dỗ vật chất…
“Lẽ ra quá tải phải mừng”
Đó là chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Xanh pôn, một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014 khi được hỏi về tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn.
Theo bác sĩ Phúc, khi bệnh nhân tìm đến các bệnh viện lớn để khám, chữa trị đồng nghĩa với việc bệnh viện đó được người dân tin tưởng, lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ có các bệnh viện lớn ở trung ương quá tải còn các bệnh viện cơ sở số lượng bệnh nhân hạn chế.
Do đó, bài toán quá tải ở các bệnh viện liên quan đến cả hệ thống ngành y nói chung chứ không ở một vài bệnh viện. Các giải pháp như xây thêm bệnh viện, kê thêm giường, cho bệnh nhân xuất viện sớm… là giải pháp phần ngọn, không giải quyết được vấn đề tận gốc.
GS.TS Phạm Gia Khải: Khi bác sĩ bắt chẹt bệnh nhân, màu áo blouse cũng vì thế mà hoen ố
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Xanh pôn, một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2014
Theo lẽ thường, người bệnh sẽ tìm đến bệnh viện mình tin tưởng để điều trị. Nguyên tắc của y khoa là người bệnh được đặt lên trên hết. Do đó, giải pháp cho vấn đề quá tải không phải khiến bệnh viện ít bệnh nhân đi mà giúp bệnh viện tuyến cơ sở nâng cao chuyên môn, có chuyên gia điều trị. Một khi các bệnh viện tuyến huyện đảm bảo chất lượng điều trị, đáp ứng yêu cầu thì bệnh nhân sẽ không đổ ra tuyến Trung ương.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, mấu chốt của vấn đề nằm ở đào tạo. Ở nước ngoài, sau khi học y khoa học 4 năm đại cương, 5 năm chuyên về ngành y bác sĩ vẫn chưa được làm việc độc lập. Họ tiếp tục về ngoại khoa mổ xẻ ở các bệnh học tiếp 4 năm dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Sau khi tốt nghiệp, tay nghề của bác sĩ rất cao, có thể thực hiện được ca mổ khó.
Ở nước ta, nếu thời gian học sau đại học tối thiểu 2 năm và thực hiện đào tạo liên tục trong vòng 5 năm, mỗi năm 40 tiết có kiểm tra đầu vào, đánh giá trình độ thì sau 200 tiết học nghiêm túc, chuyên môn của bác sĩ được nâng cao.
Khi đó, các bác sĩ được phân về tuyến cơ sở sẽ rất giỏi, có thể mổ cắt bỏ đại tràng, sỏi mật...  Đồng thời góp phần phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn của bệnh viện. Một khi, mỗi bệnh viện có mũi nhọn để phát triển riêng, có những chuyên gia về bệnh tật thì hiện tượng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên được giảm thiểu đáng kể - bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết thêm.
Đôi khi lời động viên có ý nghĩa hơn cả… toa thuốc
Bác sĩ trẻ M.V.L, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Khi người bệnh tìm đến bác sĩ không chỉ mong tìm ra bệnh, điều trị bệnh mà còn để gửi gắm niềm tin. Lời động viên kịp thời của bác sĩ giúp bệnh nhân ấm lòng hơn và yên tâm điều trị".
Khi bệnh nhân có niềm tin vào bác sĩ, vào phác đồ điều trị thì kết quả khả quan hơn. Câu chuyện về một bệnh nhân ở Tây Ninh bị rối loạn tiểu tiện 26 năm, một ngày đi tiểu 50-60 lần để lại trong anh nhiều ấn tượng. Do quá trình chạy chữa kéo dài nên bệnh nhân bị kiệt quệ về kinh tế, suy sụp, mất niềm tin nghiêm trọng.
“Khi bệnh nhân cầm tay nói rằng bác thực sự cảm ơn cháu nhưng số bác chắc chỉ đến thế làm mình thấy rất đau đớn. Mình luôn cố gắng vực dậy niềm tin nơi người bệnh bằng mọi cách từ động viên bệnh nhân đến người nhà. Thậm chí, thức đêm cùng người bệnh để hướng dẫn tập tiểu, tìm gặp các thầy xin hướng dẫn với những ca bệnh khó”, anh chia sẻ.
Theo anh, khi người bác sĩ phải đặt mình vào vị trí của bệnh nhân thì họ sẽ yên tâm chia sẻ, kết quả điều trị vì thế tốt hơn. Nếu bác sĩ chỉ chăm chăm như một cái máy, cho bệnh nhân làm xét nghiệm rồi thôi thì đó là một thiếu sót. Và khi bác sĩ, điều dưỡng quát mắng bệnh nhân khoảng cách đó lại càng kéo xa. Tuy nhiên, cũng có những bác sĩ chấp nhận “mang tiếng” để người bệnh tuân thủ đúng liệu trình điều trị.
Giữ vai trò quản lý nhiều diễn đàn y khoa như: Diễn đàn thầy thuốc Việt Nam, Chia sẻ kiến thức trực tuyến y khoa, Bác sĩ nhà quê… anh tích cực giải đáp, hướng dẫn các bạn sinh viên ngành y về chuyên môn cũng như y đức.
Anh chia sẻ: “Với các bạn sinh viên, muốn trở thành một bác sĩ giỏi, có y đức thì ngay lúc này phải lao vào bệnh viện, ăn, ngủ, nghỉ tại viện. Học từ cách làm việc, quy trình, thủ tục cho đến cách giao tiếp với bệnh nhân, thuyết phục họ cũng như học cách tạo niềm tin cho người bệnh. Bên cạnh học cách làm bác sĩ còn học để làm người mà bệnh nhân chính là người thầy của mình”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét