Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Cần hết sức thận trọng trước tình trạng bắt cóc trẻ em hiện nay

Tin tức an ninh hình sự - Thời gian gần đây, nhiều thông tin về các vụ dàn cảnh với âm mưu bắt cóc trẻ em được đăng tải trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng.

Xuất hiện nhiều tin đồn về nạn bắt cóc trẻ em
Vụ bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc xảy ra ngày 7/11/2015, ở địa chỉ 15/64 đường Tây Trà, Trần Phú, Quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến nhiều phụ huynh có con nhỏ không khỏi giật mình. Đối tượng sau khi bế bé đi đã nhắn tin về cho gia đình để đòi tiền chuộc. Vào cuộc điều tra, lực lượng Công an đã giải cứu được cháu Vũ Đức Duy, 3 tuổi con trai anh Vũ Văn Tụ và đưa bé trở về với gia đình.
Trước đó, vào tháng 6/2015, trên địa xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã xảy ra một vụ mất tích đầy bí ẩn trong rẫy cà phê, nạn nhân là cháu Lương Thế Vương (sinh ngày 20-10-2012). Khoảng 10g 30 cùng ngày, trong lúc chị Lê Thị Yến (36 tuổi) và con gái là Lương Hải Anh (7 tuổi) đi du lịch tại Nha Trang cùng cơ quan, anh Lương Thế Huynh (42 tuổi) chở con trai là cháu Vương đi vào nhà cũ trong rẫy cà phê của gia đình.
Cảnh giác trước tin đồn bắt cóc trẻ em
Anh Lương Thế Huynh đi khắp nơi để tìm con trai bị bắt cóc
Sau khi cho heo và vịt ăn xong, anh Huynh ra ao cá cách nhà khoảng 60 mét để cho cá ăn. Khi cho cá ăn, anh nghe tiếng con khóc và kêu bố cùng tiếng chó sủa inh ỏi nhưng anh nghĩ không có chuyện gì xảy ra nên tiếp tục công việc. Thế nhưng, ít phút sau anh Huynh lại nghe tiếng cháu nhỏ kêu cứu và chó sủa dữ dội hơn, anh đã vội chạy về nhà và lúc này anh không thấy con đâu, anh Huynh chạy khắp vườn tìm gọi tên con trai nhưng vẫn không thấy.
Cá biệt hơn, nhiều trường hợp các đối tượng liều lĩnh và manh động khi "cướp" trẻ em từ trên tay bố mẹ khiến nhiều người lo lắng. Cụ thể vào khoảng 16 giờ, ngày 18/3, trên đường Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình, TP HCM), khi chị Nguyễn Thị Bé Hai (thường gọi là Phượng, 35 tuổi, quê ở Cần Thơ) đón con trai là Huỳnh Trung Nghĩa (5 tuổi) học trường mẫu giáo Anh Tú về, bất ngờ có 2 thanh niên chạy xe máy đến giả vờ hỏi đường rồi gã ngồi sau nhảy xuống, bế lấy Nghĩa định bỏ chạy nhưng chị Phượng kịp giằng lại khiến xe của chúng ngã ra đường.
Quá sợ hãi, chị Phượng ôm chặt con rồi tri hô. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, nhiều người chạy đến xem nhưng không giúp đỡ vì nghĩ là mâu thuẫn gia đình. Đến khi chị Phượng kêu to "bắt cóc", 2 bảo vệ của cửa hàng thời trang gần đó mới chạy đến hỗ trợ. Thấy bất ổn, 2 thanh niên lên xe bỏ chạy.
Mới đây nhất, trong ngày 21/3 cũng xuất hiện một tin đồn bé gái khi tan học trước cổng trường Đặng Thuỳ Trâm thì bị 1 nam thanh niên cùng 1 người phụ nữ mặc áo tím (theo quan sát của bé) đã dụ dỗ bé lên xe. Sau khi lấy 1 đôi bông tai vàng trắng và 1 sợi dây chuyền bằng bạc, 2 đối tượng đã bỏ bé trong 1 con hẻm gần cầu Nhị Thiên Đường. Bé sợ hãi khóc và được người dân giữ lại, báo tin về cho gia đình.
Cùng ngày, người dân ở khu vực chợ thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) rộ lên thông tin một bé trai khoảng 5 tuổi bị một nam thanh niên bắt cóc. Sự việc bị bại lộ, đối tượng bắt cóc đành bỏ lại "con mồi" và nổ máy xe chạy thoát thân.
Một người dân ở đây kể lại, bé trai đó tầm 5 tuổi đi cùng mẹ đến chợ thị trấn Tầm Vu mua đồ. Người mẹ này để con đứng ngoài đường canh xe và vào trong mua ít trái cây. Nhân cơ hội không có người lớn, một gã thanh niên lân la tới làm quen và dụ dỗ.
Vừa lúc đó, người mẹ này cũng mua xong trái cây nên ngó nhìn lại thì không thấy con. Sợ hãi, người mẹ tri hô và phát hiện bên kia đường, con mình chuẩn bị lên xe đi với một thanh niên lạ. Bị phát hiện, nam thanh niên này đành bỏ bé trai xuống và rồ ga chạy mất về TP. Tân An.
Lực lượng chức năng vào cuộc
Liên quan đến nhiều thông tin một số trẻ em, học sinh bị bắt cóc ngay trước cổng trường và trên đường được đăng trên một số mạng xã hội trong những ngày gần đây gây hoang mang dư luận, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và làm rõ.
Đối với thông tin một bé trai 5 tuổi bị hai đối tượng giằng co từ tay người mẹ trước địa chỉ 1024 đường Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) vào chiều 18-3 để bắt cóc nhưng không thành, hiện Công an đang xác minh làm nên chưa thể khẳng định là vụ bắt cóc.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng tham mưu CATP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP, đặc biệt nâng cao cảnh giác, đề phòng các tình huống xấu xảy ra, hiện Công an TPHCM đang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ trực thuộc và Công an các quận, huyện tăng cường lực lượng, nhất là Cảnh sát trật tự, Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, tập trung nắm tình hình, tuần tra tại các khu đông dân cư, trường học, chợ, khu thương mại, bến xe, nhà ga, khu vui chơi…. để kịp thời trấn áp, xử lý các loại tội phạm hoạt động.
Về phía người dân, cần chọn lọc những thông tin, trang mạng chính thống để xem, đọc, không vội tin vào những luận điệu xấu, thất thiệt, thiếu căn cứ.

Về thông tin bé trai 5 tuổi bị bắt cóc ở chợ thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An), khiến người dân lo lắng, mới đây, thông tin từ UBND thị trấn Tầm Vu cho biết, sau khi xác minh vụ việc xảy ra trên địa, cơ quan chức năng chưa phát hiện xảy ra trường hợp nào trẻ em bị bắt như một số thông tin đã lan truyền. Nhận được tin báo, lực lượng Công an đã có mặt và kiểm tra rất kỹ ở khu vực chợ Tầm Vu và vùng lân cận nhưng hoàn toàn không ai biết.
Khuyến cáo đối với phụ huynh 
Mặc dù một số vụ bắt cóc trẻ em được đăng tải trên mạng xã hội gần đây chỉ là tin đồn thất thiệt. Tuy nhiên theo thống kê của cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), tình hình tội phạm mua bán người nói chung, tội phạm mua bán, bắt cóc và chiếm đoạt trẻ em nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Trung bình hàng năm, cả nước xảy ra trên dưới 500 vụ mua bán người, trong đó hơn 40 vụ bắt cóc và chiếm đoạt trẻ em.  Loại tội phạm này trong thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra khuyến cáo, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành tăng cường công tác bảo vệ an ninh trong trường học, theo dõi và ngăn chặn kịp thời các thành phần xấu xâm hại đến học sinh.
Trước tình trạng trên, nhiều trường Mầm non, Tiểu học đã chủ động gửi thông báo và bàn bạc với phụ huynh các biện pháp đưa đón học sinh nhằm đảm bảo tốt nhất sự an toàn của trẻ. Không chỉ thông báo đến phụ huynh, các trường còn dặn dò giáo viên mỗi lớp cũng như bảo vệ phải thật cẩn trọng trong việc trả trẻ, thấy trường hợp nào khả nghi phải báo cáo với cấp trên để kịp thời giải quyết.
Cảnh giác trước tin đồn bắt cóc trẻ em
Nhiều trường học cảnh báo nạn bắt cóc học sinh với phụ huynh
Đồng thời, bố mẹ phải cho trẻ biết kẻ xấu có thể dùng những lời lẽ nào, dụ dỗ ra sao và trẻ phải trả lời thế nào, phản ứng ra sao, tìm sự trợ giúp của người xung quanh thế nào.
Tốt nhất, trẻ không được bắt chuyện người ngoài, không được tỏ ra thân thiết, nên giả vờ rằng bố mẹ đang ở gần đó và đặc biệt không đi theo. Nếu trẻ bị lôi kéo thì phải kêu thật to lên để gây chú ý, kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Khi trẻ bị bắt cóc, điều đầu tiên phải trình báo Công an. Nếu là vụ bắt cóc tống tiền, đe dọa con tin thì một mặt phải giả vờ nghe lời bọn bắt cóc để câu giờ, một mặt bí mật trình báo Công an để tìm sự hỗ trợ, giải quyết.
Tuyệt đối không nên nghe theo bọn chúng đưa tiền chuộc con vì không ai có thể biết trước được liệu khi nhận được tiền chúng có trả con hay tiếp tục yêu cầu tiền chuộc hoặc giết con tin diệt khẩu.
Ngoài cơ quan Công an, phụ huynh có thể gọi đến đường dây nóng 18001567 để trình báo. Bố mẹ càng nhớ nhiều chi tiết về trẻ thì khả năng nhận diện càng tốt, ví dụ như quần áo, giày dép, nón mũ bé mặc, đồ chơi mang theo, đặc điểm riêng biệt trên cơ thể…
Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em được quy định tại Điều 120 BLHS. Tội phạm này xâm phạm tự do thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Tội phạm này được thực hiện do cố ý và được thể hiện ở ba loại hành vi phạm tội khác nhau:
- Hành vi mua bán trẻ em được hiểu là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi trẻ em như một thứ hàng hóa.
- Hành vi đánh tráo trẻ em được hiểu là hành vi dùng mánh khóe gian lận để thay thế đứa trẻ này với đứa trẻ khác mà bố mẹ của một hoặc của cả hai đứa trẻ không biết.
- Hành vi chiếm đoạt trẻ em được hiểu là hành vi chiếm đoạt trái phép đứa trẻ ra khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người quản lý hợp pháp bằng các thủ đoạn khác nhau như lén lút, lừa dối, dùng vũ lực…
Đối tượng của các hành vi nói trên là trẻ em, tức là người chưa đủ 16 tuổi. Điều 120 quy định như sau: Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; vì động cơ đê hèn; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt nhiều trẻ em; để đưa ra nước ngoài; để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; để sử dụng vào mục đích mại dâm; tái phạm nguy hiểm; gây hậu quả nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét