Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Vụ 30 tấn cá nục nhiễm siêu độc tố: Cần xây dựng bộ quy chuẩn về hàm lượng phenol

Sau khi cơ quan chức năng công bố phát hiện mẫu phẩm nhiễm chất phenol cực độc có trong 30 tấn cá nục tại cơ sở đông lạnh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), đời sống ngư dân nơi đây vốn đã khong khá khẩm gì nay lại càng trở nên lao đao.

Bà Lê Thị Thuộc (chủ cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc, khu phố 3, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) cho biết, lô cá nục có mẫu nhiễm phenol được bà mua của ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế sau thời điểm cá chết hàng loạt khoảng 15 ngày với giá 25 nghìn đồng/kg và có giấy chứng nhận khai thác trong vùng biển an toàn. Sau đó, số cá này được đem đi rửa sạch bằng nước lạnh rồi cho vào phòng đông lạnh ở nhiệt độ - 40 độ C, cấp đông trong vòng 14 tiếng đồng hồ rồi chuyển vào kho bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C. Bà Thuộc khẳng định, không hề sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào để bảo quản cá.
“16 năm hoạt động trong lĩnh vực cung cấp cá cho thị trường trong và ngoài nước, uy tín của cơ sở phút chốc tiêu tan do có thông tin cá trong kho đông lạnh của tôi bị nhiễm độc. Các đơn hàng đều bị hủy bỏ, không ai dám thu mua, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng” – bà Thuộc buồn bã chia sẻ.
Vụ việc xảy ra, không chỉ kho đông lạnh của bà Thuộc gặp khó khăn mà các cơ sở khác cũng điêu đứng theo, hàng hóa tồn kho không tiêu thụ được. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Cửa Tùng có 54 hộ kinh doanh nhỏ lẻ trữ đông cá để cấp đông ra thị trường, có 8 cơ sở cấp đông trong đó có 4 kho đông lớn. Ước tính trữ lượng cá tồn đọng hàng trăm tấn.
Vụ 30 tấn cá nục nhiễm chất cực độc: Cần xây dựng bộ quy chuẩn về hàm lượng phenol
Rất nhiều thuyền neo bờ ngừng đánh bắt do ảnh hưởng từ vụ cá nhiễm độc
Ông Trần Văn Lưu, người trực tiếp quản lý chợ cá Cửa Tùng cho biết, trước đây ở chợ có trung bình khoảng 20 quầy hàng chuyên bán cá các loại, không khí thu mua rất nhộn nhịp và tấp nập. Tuy nhiên, sau hiện tượng cá chết bất thường diễn ra, tiếp đến là thông tin cá nục đông lạnh nhiễm chất độc nên cả chợ chỉ còn lác đác vài ba quầy cá hầu như không bán được hàng, người dân không dám mua để sử dụng. “Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận chính xác để người dân yên tâm buôn bán, ổn định tình hình”, ông Lưu nói.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị nhận định, chất phenol tồn tại trong mẫu cá nục có hàm lượng 0,037 mlg/kg là độc. Ông cho biết, sau khi nghiên cứu các cơ sở, Sở Y tế nhận thấy các văn bản liên quan hiện tại về QCVN quy định hàm lượng phenol trong một số loại hình, hàm lượng phenol có trong nước biển là 0,03 Milligam/lit (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); hàm lượng phenol và dẫn xuất phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lit (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT); hàm lượng phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa phenol là 5 Microgam/lit (QCVN 12-1: 2011/BYT). Như vậy, so với các căn cứ nêu trên đều thấp hơn hàm lượng phát hiện trong lô cá nục là 0,037 mlg/kg”.
Ngay sau khi có kết quả kiểm nghiệm và dựa các căn cứ trên, Sở Y tế có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị tiêu hủy lô hàng bị nhiễm phenol để đảm bảo sức khỏe của người dân.
Trước tình hình trên, ngày 14/6/2016, UBND tỉnh Quảng Trị đã có cuộc họp khẩn với các sở, ban, ngành liên quan về vụ 30 tấn cá nục có mẫu nhiễm phenol. Đại diện lãnh đạo các Sở Y tế, NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường… đã báo cáo tình hình thực tế và có nhiều ý kiến tranh luận nhằm tìm ra hướng giải quyết vụ việc.
Vụ 30 tấn cá nục nhiễm chất cực độc: Cần xây dựng bộ quy chuẩn về hàm lượng phenol
Cơ quan chức năng lấy mẫu cá xét nghiệm ngày 13/6
Tại buổi làm việc, ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh khẳng định, phenol là chất độc, sử dụng 2-5 gram sẽ bị ngộ độc cấp. Với hàm lượng phenol 0,037mlg/kg như vừa phát hiện khó có thể gây ngộ độc ngay nhưng đây là chất dễ tan trong nước, dễ hấp thụ qua đường ruột nhưng lại khó đào thải. Nếu tích tụ lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tế bào não, gây bệnh ung thư, tim mạch… Cũng theo ông Biên, trong quá trình chia lô lấy mẫu kiểm nghiệm ngày 13/6, đoàn kiểm tra xác định khối lượng cá thực tế khoảng 20 tấn chứ không phải là 30 tấn như chủ vựa cá Dũng Thuộc khai ban đầu. “Lô cá được chủ kinh doanh thu mua nhiều ngày, nhiều tàu, cụ thể là 9 lần. Chúng tôi nghi ngờ có thể chủ vựa cá mua lẫn lộn cá từ sự cố cá chết bất thường. Về mẫu kiểm tra đợt thứ hai, dự kiến ngày 17/6 sẽ có kết quả và Cục an toàn thực phẩm sẽ có công bố chính thức”, ông Biên thông tin thêm.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho rằng, hiện nay Bộ NN&PTNT và ngành Y tế đều chưa có quy chuẩn về phenol nhưng phenol là chất độc thường dùng trong công nghiệp tẩy rửa không dùng trong thực phẩm. Hàm lượng 0,037 mlg/kg như vậy là bất thường. Kết quả xét nghiệm ngay tại thời điểm cá chết hàng loạt cho thấy hàm lượng phenol gấp hàng trăm lần so với lần phát hiện trong lô cá nục đông lạnh có mẫu nhiễm độc này.
Vụ 30 tấn cá nục nhiễm chất cực độc: Cần xây dựng bộ quy chuẩn về hàm lượng phenol
Ông Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp ngày 14/6
Kết luận cuộc họp, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thông tin 30 tấn cá nục có mẫu nhiễm phenol đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình đánh bắt, tiêu thụ, kinh doanh dịch vụ và hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Ông Đồng cho rằng các sở, ban, ngành cần phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ hơn trong quá trình xử lý vụ việc, thận trọng hơn trong việc lấy mẫu và công bố thông tin chính xác cụ thể để đảm bảo lợi ích cho người dân. Bên cạnh đó, ông Đồng kiến nghị rằng các cơ quan chuyên môn cần đề xuất lên các bộ, ngành trung ương để đưa ra quy chuẩn chung về hàm lượng phenol có trong thực phẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét