Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

CSGT dùng chân chặn người vi phạm là trái luật

Đã là một cảnh sát giao thông thì các chiến sĩ nên thực hiện đúng các quyền hạn, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định pháp luật.

Vụ việc CSGT dùng chân chặn khiến người vi phạm té ngã đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và “nóng” trên các diễn đàn mạng xã hội. Khi đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ ý kiến ủng hộ CSGT, song cũng không ít ý kiến phản đối.
Sau khi báo chí đưa thông tin vụ việc, Trung úy Hoàng Anh, Đội CSGT số 3 người có hành động “giơ chân” khiến người vi phạm té ngã đã lên tiếng giãi bày.
Vụ CSGT dùng chân chặn xe người vi phạm: Trái quy định của pháp luật

Hành động giơ chân chặn bắt người vi phạm làm mất hình ảnh đẹp của CSGT trong mắt người dân

Theo Trung úy Hoàng Anh, khoảng 17h ngày 18/7, nam thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chở theo một phụ nữ chạy ngược chiều, luồn lách trên phố Xã Đàn (Đống Đa). Nam thanh niên có biểu hiện không bình thường, cố tình không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của một Cảnh sát trong tổ công tác nên Trung úy Hoàng Anh đã đi ra để dừng xe. Tuy nhiên thanh niên này không chấp hành nên anh Hoàng Anh đã giơ chân bật nhảy để tránh nguy hiểm.
“Tình huống trên rất nguy hiểm khi người điều khiển xe máy vi phạm có dấu hiệu lao thẳng vào mình, buộc CSGT phải "bật nhảy", Trung úy Hoàng Anh trả lời trên Báo Giao thông.
Có thể thấy hiện nay việc vi phạm các quy định về giao thông đường bộ ở nước ta đã trở nên rất phổ biến. Người tham gia giao thông mặc nhiên không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lấn làn khi di chuyển dù các hành vi này đã được pháp luật quy định rất cụ thể về mức xử phạt.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng  hành động CSGT dùng chân đạp vào hai thanh niên đi xe máy dẫn đến ngã xuống đường là không đúng, điều này làm mất đi chức năng cơ bản của Cảnh sát là bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Luật sư Hòe phân tích, theo quy định của pháp luật tại Điều 4 Thông tư 01/2016/TT-BCA thì nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của Cảnh sát giao thông là đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường. Mặc dù ở đây hai thanh niên có vi phạm và CSGT có chức năng phải ngăn chặn hành vi trên nhưng trong tình trạng không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều với tốc độ cao như vậy thì chiến sĩ Cảnh sát có thể thấy được sự nguy hiểm khi giơ chân lên đạp trong tình huống này. Nếu nhẹ người điều khiển phương tiện có thể bị thương hoặc nặng hơn nữa là dẫn đến tử vong.
“Thay vì hành động như trên thì CSGT có thể dùng các biện pháp khác để ngăn chặn hành vi nguy hiểm như sử dụng công cụ hỗ trợ, thông báo cho các cụm, chốt CSGT khác để bắt giữ đối tượng”, Luật sư Hòe nói.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thì CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ và võ thuật nếu nhận thấy đối tượng có hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc của chính mình và mục đích cuối cùng chỉ là khống chế đối tượng chứ không phải là sát thương.
Như vậy theo như quy định của thông tư thì Cảnh sát không có quyền “đạp” người vi phạm. Hành động trên của CSGT là hành vi trái quy định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn.
Luật sư Hòe nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng và cơ bản nhất của CSGT chính là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Hành vi giơ chân lên “đạp” là quá nguy hiểm quá liều lĩnh. Các cơ quan có thẩm quyền cần có những hình thức xử lý phù hợp để sự việc này không tạo nên tiền lệ xấu trong công tác ngành, để hình ảnh người chiến sĩ giao thông mãi đẹp trong lòng người dân.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Anh Dũng, Giám đốc Công ty luật Đại Phúc (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình với hành động giơ chân “đạp”  người tham gia giao thông vi phạm luật giao thông của Cảnh sát giao thông.
Luật sư Dũng cho rằng, hành động giơ chân “đạp” người tham gia giao thông vi phạm quy định của Luật giao thông đường bộ của người Cảnh sát giao thông là hành vi vô cùng nguy hiểm.  
Hành vi này gây mất an toàn cho tính mạng và sức khoẻ của người vi phạm cũng như những người tham gia giao thông khác thậm chí cho cho chính bản thân người Cảnh sát giao thông đó. Hành vi này của người Cảnh sát giao thông vi phạm quy tại Khoản 1 Điều 12 thông tư  01/2016/TT-BCA ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ Công an về việc lực lượng chức năng phải đảm bảo dừng phương tiện vi phạm “An toàn, đúng quy định của pháp luật”. Mặt khác hành vi của người CSGT cũng không nằm trong những quyền hạn được quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA.
Luật sư Dũng bày tỏ quan điểm, pháp luật hiện hành cho phép lượng chức năng (trường hợp này là CSGT) được sử dụng các công cụ hỗ trợ theo quy định để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình chống đối thì người CSGT cần có biện pháp xử lý khác an toàn hơn hoặc đề nghị các lực lượng chức năng phối kết hợp để bắt giữ người vi phạm.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét