Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Mổ xẻ cuộc đảo chính thất bại của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Tin thế giới - Cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7 khiến hơn 180 người chết, 1.470 người khác bị thương và 3000 người có liên quan bị bắt giữ.

Cuộc đảo chính được một nhóm sĩ quan, binh sĩ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đêm 15/7 diễn ra khá bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, sáng sớm 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát đất nước, cuộc đảo chính bị dập tắt.
Nguyên nhân đằng sau âm mưu đảo chính
Một bài báo trên tờ Aftenposten của Na Uy nhận định, sự tranh giành quyền lực, sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và chế độ chuyên quyền của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân dẫn tới vụ đảo chính đêm 15/7.
Bài báo dẫn lời chuyên gia nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Oslo (Na Uy), ông Einar Wigen cho hay, không có người tiền nhiệm nào của ông Erdogan từng từ chức theo đúng quy trình dân chủ. Họ hoặc là bị chết, hoặc bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Trong khi đó, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây luôn bất ổn. Việc Syria, đất nước láng giềng phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ bị rơi vào nội chiến và khủng bố khiến những người tị nạn Syria tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn bao giờ hết (khoảng hơn 2,7 triệu người).
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới đảo chính và sự thất bại của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Lực lượng đảo chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã lên kế hoạch rất chi tiết
Bên cạnh đó, sự gia tăng hoạt động của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hay những tổ chức khủng bố khác được cho là có liên hệ với Al-Qaeda đẩy Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nạn nhân của hàng loạt vụ tấn công khủng bố, chủ yếu ở những thành phố như Istanbul và Ankara.
Không những thế, lực lượng người Kurd tại nước này cũng được cho là mầm mống có thể dẫn tới nội chiến bất cứ lúc nào, nhất là khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động một cuộc tấn công nhắm vào khu vực của người Kurd vào mùa hè năm ngoái.
Chế độ chuyên quyền, độc đoán của ông Erdogan cũng là điều khiến nhiều thế lực cảm thấy “ghét bỏ” và “cần được tẩy chay”. Đặc biệt là khi ông thiết lập quyền kiểm soát với toàn bộ hệ thống pháp lý kể cả với cảnh sát và lực lượng tình báo. Thậm chí, ông Erdogan còn hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân.
Cuộc đảo chính của chế độ cũ
Lẽ ra, với những điều kiện cần như thế, trong khi các vị tướng nổi loạn cùng với quân lính dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến cuối cùng, thì cuộc đảo chính phải thành công rực rỡ. Nhưng tại sao nó lại thất bại thê thảm chỉ sau vài giờ nổi loạn?
Dẫn lời ông Gareth Jenkins, một nhà nghiên cứu quân sự tại Istanbul, tờ Reuters đưa ra nhận định, cuộc đảo chính đêm 15/7, đã được lên kế hoạch rõ ràng là khá tốt nhưng nó lại sử dụng cách thức của những năm 1970, giống như đảo chính ở Chile vào năm 1973, hay Ankara vào năm 1980 hơn là một quốc gia phương Tây hiện đại của năm 2016.
Mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới đảo chính và sự thất bại của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và phương tiện truyền thông hiện đại đã cứu ông Erdogan một bàn thua trông thấy
Rõ ràng, lực lượng đảo chính đã lên kế hoạch tương đối cặn kẽ, nhằm ngày cuối tuần khi ông Erdogan đã rời khỏi dinh Tổng thống. Họ chiếm giữ sân bay chính, phong tỏa một cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, đưa xe tăng tới Quốc hội, kiểm soát các nút giao thông chính ở thủ đô Ankara và phát sóng truyền hình quốc gia TRT tuyên bố lệnh giới nghiêm và cảnh báo người dân ở nhà.
Nhưng, có một điều mà lực lượng đảo chính không lường tới đó là không ngăn các kênh truyền hình tư nhân phát sóng, sóng di động và các mạng xã hội vẫn được phép hoạt động. Lợi dụng kẽ hở này, Tổng thống Erdogan và các trợ lý của mình nhanh chóng kêu gọi người dân xuống đường phản đối cuộc đảo chính.
Trực tiếp ông Erdogan đã dùng Facetime phát sóng hình ảnh của mình trên kênh CNN Turk, một kênh truyền hình tư nhân để kêu gọi người dân bình tĩnh, xuống đường biểu tình ngăn chặn đảo chính.
Trong khi đó, Thủ tướng Binali Yildirim viết trên Twitter để tố cáo cuộcbinh biến và khẳng định với người Thổ Nhĩ Kỳ rằng chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang nước này không ủng hộ cuộc nổi dậy.
Trong khi các phương tiện truyền thông nhiều khi khiến thông tin bị nhiễu loạn, và chính phủ khó khăn trong việc kiểm soát các luồng thông tin gây hại đến từ nhiều phía. Thì Chính phủ ông Erdogan lại khéo léo sử dụng nó vào đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như một “vị cứu tinh” của mình.
Bên cạnh đó, nhóm đảo chính còn phạm phải một sai lầm cơ bản là không bắt được bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đảng cầm quyền AK, theo nhận định của Sinan Ulgen, một nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng khiến cho kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo của lực lượng đảo chính bị đổ vỡ.
Tuy nhiên, theo dự đoán của chuyên gia Wigen, nếu cuộc đảo chính này không thể khiến Erdogan từ chức thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng độc đoán hơn nữa. Có thể ông Erdogan sẽ có nhiều quyền lực hơn.
Khoảng những năm 2000, ông Erdogan thông báo sẽ cải cách các mối quan hệ giữa quân đội và thể chế nhà nước dân chủ. Dưới thời của ông, quân đội không được phép can thiệp vào các chính sách của chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét